Hệ pin lưu trữ năng lượng (BESS): đã được Bổ sung Quy hoạch, là niềm hy vọng của “cơn ác mộng” cắt giảm công suất.

Ngày 30/11/2021, Neoventure Corporation đã đồng hành với Huawei Vietnam tổ chức hội thảo online “BESS market for utility application in Vietnam” (Áp dụng Hệ pin lưu trữ năng lượng cho các dự án quy mô lớn).

Với sự góp mặt của các đại diện đến từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVN NLDC), Huawei Vietnam, PECC4, Lotus Energy Ltd., PECC3, Copper Mountain Energy – CME, sự kiện đã diễn ra tốt đẹp, với rất nhiều kiến thức bổ ích từ các chuyên gia tham dự sự kiện.

Theo chia sẻ của bà Hyunjung Lee, Chuyên viên Kinh tế Năng lượng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), năm 2030, Việt Nam dự kiến sẽ có 2.400 MW lưu trữ năng lượng (1,2%) bao gồm thủy điện tích năng Bác Ái 1.200 MW và Phước Hòa 1.200 MW. Con số này sẽ tăng lên 2,0% trong năm 2045, bao gồm cả thủy điện tích năng và hệ BESS. Bà cũng cho biết thêm, những nhà máy năng lượng công suất dưới 1000MW, hệ BESS sẽ là phương án lưu trữ năng lượng phù hợp nhất.

Bà Hyunjung Lee, Chuyên viên Kinh tế Năng lượng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)
Ông Shawn Li - Giám đốc Kỹ thuật Năng lượng số của Huawei Vietnam

Giám đốc Kỹ thuật Năng lượng số của Huawei Vietnam – Ông Shawn Li cho hay: “Hệ thống Smart String ESS của Huawei còn giúp giảm thiểu 15% chi phí lưu trữ cân bằng (levelized cost of storage) cho dự án 100MW/200MWh, giảm 21,2 triệu USD chi phí vốn CAPEX, tăng 13% sản xuất năng lượng và 50% tuổi thọ, đơn giản hóa O&M, giúp doanh nghiệp tiết kiệm tới 25 năm bảo trì bảo dưỡng trị giá 7,7 triệu USD, và đặc biệt là khả năng cảnh báo nguy cơ cháy nổ của hệ thống thông minh”. Hơn thế nữa, đổi mới công nghệ còn giúp giảm chi phí phát điện, thúc đẩy sớm đạt thành tựu trong công cuộc trung hòa carbon.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Văn - phòng Phương thức, Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia NLDC

Tiến sĩ Nguyễn Thế Văn – phòng Phương thức, Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia NLDC giải thích: “BESS có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề trong ngành năng lượng hiện nay, như: tắc nghẽn lưới điện, kiểm soát tần số, dự trữ điện, kiểm soát điện áp và ổn định, độ tin cậy của lưới điện”. “Trong khuôn khổ Báo cáo Dự án Hỗ trợ kỹ thuật do USTDA tài trợ “Nghiên cứu phát triển hệ thống tích trữ năng lượng tại Việt Nam” được thực hiện bởi GE Energy Consulting, BESS được xác định là sẽ giải quyết triệt để vấn đề quá tải lưới điện do các nguồn năng lượng tái tạo gây ra trong giai đoạn 2020-2030. Việc đầu tư vào BESS sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế trên quy mô chung của toàn hệ thống điện, nhưng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cục bộ cho các nhà đầu tư dự án có nguồn NLTT bị hạn chế công suất phát do quá tải.“ – Tiến sĩ Văn chia sẻ.

ADB đã xác định sự cần thiết của BESS để đảm bảo 2 tiêu chí:

1. Tần số hệ thống không giảm xuống dưới 49 Hz khi hệ thống mất 1000 MW (tương đương 600 MW từ tổ máy lớn nhất và 400 MW do biến động từ nguồn năng lượng tái tạo).

2. Tần số hệ thống không giảm xuống dưới 49,4 Hz khi hệ thống mất 600 MW do sự cố máy phát điện lớn nhất.

Ông Lê Hoài Nam - Giám đốc dự án, Kỹ sư trưởng dự án NLTT - PECC4

Một case study được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 4 (PECC4) về dự án Điện gió Bình Đại 310MW đã nêu rõ về cách xác định khoảng thời gian quá tải, công suất và năng lượng bị cắt giảm và đề xuất công suất BESS cho dự án. Nghiên cứu của ông Lê Hoài Nam – Giám đốc dự án, Kỹ sư trưởng dự án NLTT – PECC4 cho thấy cách thức hoạt động của hệ BESS trong một ngày như sau: khi đường dây truyền tải bị quá tải, BESS sẽ được dùng để lưu trữ năng lượng, khi đường dây truyền tải trở về trạng thái bình thường, BESS sẽ xả công suất và tải điện lên đường dây.

Phiên thảo luận cuối buổi hội thảo được điều hành bởi ông Roger Shen – Giám đốc Công ty TNHH Lotus Energy, với sự góp mặt của tất cả các diễn giả, và hai khách mời là ông Nguyễn Tuấn Phát – Tư vấn Pháp lý của Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 3 (PECC3) và ông Lê Quang Minh – Giám đốc Phát triển Quan hệ Đối tác của Copper Mountain Energy (CME). Các diễn giả cũng đã có ý kiến về thí điểm BESS cho những dự án quy mô lớn tại Việt Nam, đồng thời chia sẻ quan điểm của mình về việc cắt giảm công suất xảy ra vào những tháng hè năm 2021. Đại diện NLDC đưa ra con số 1000 – 2000MW sẽ bị cắt điện giảm tải ở phía Bắc vào năm 2022, và lên tới 5000MW hoặc hơn vào năm 2025, năng lượng cắt giảm tải sẽ đạt tới vài triệu kWh. Hiện tại EVN và PECC2 đang liên kết nghiên cứu về hệ BESS ở phía Bắc. Ông Lê Quang Minh (CME) thấy rằng giá thành cho BESS hiện đang còn ở mức khá cao, sẽ còn mất nhiều thời gian để BESS có thể tới gần với các dự án NLTT thông thường hơn. Ông Nguyễn Tuấn Phát (PECC3) đưa tới một cập nhật hữu ích cho các nhà đầu tư: Sau Hội nghị COP26, tổng công suất BESS trong Dự thảo Quy hoạch điện 8 đã được tăng lên đáng kể, điều này cho thấy tiềm năng lớn dần của hệ lưu trữ năng lượng trong Quy hoạch điện 8.

Phiên thảo luận chủ đề: "Các khía cạnh về phát triển BESS tại Việt Nam"

Hội thảo kết thúc lúc 4 giờ 40 phút chiều, để lại cho khán giả và các diễn giả nhiều kiến thức và chia sẻ bổ ích. Tất cả các diễn giả đều có một cái nhìn tích cực về Quy hoạch điện 8 sắp được phê duyệt trong thời gian tới.

Latest news